GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 01
Trong mỗi chúng ta ai cũng có một miền quê, quê hương là cánh dồng lúa thơm ngát, lũy tre xanh trải dài dọc bờ đê, là những hình ảnh thân thương nhất đối với cuộc sống mỗi người. Qua cuốn sách này hai tiếng quê hương nghe gần gũi và thân thương hơn, là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi đã nuôi dưỡng các em trưởng thành. Ta gợi nhớ đến và không thể nào quên những lời ru ầu ơ của mẹ thiết tha trìu mến, những hình ảnh của miền quê với biển rộng non cao, của gió lào cát cháy…để rồi trẻ thơ như được tiếp thêm nguồn dự trữ lớn lao về lòng yêu quê hương, để rồi chắp cánh cho tuổi thơ con thêm vững bước và sáng ngời niềm tin.
Kính thưa các thầy cô giáo, các em học sinh thân mến !
Làng quê chúng ta ở đâu cũng vậy, ẩn chứa trong nó bao điều gần gũi và thân thương.
Mỗi một miền quê trên đất nước Việt Nam đều có những câu hò, điệu hát rất chung mà lại rất riêng, mang âm hưởng của từng vùng, miền. Tất cả cùng hòa vào câu thơ, giọng hát của những làn điệu, tạo thành dòng tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Nó thấm sâu vào tâm hồn mỗi một chúng ta từ thưở lọt lòng bằng những lời ru của bà, của mẹ. Là người bạn tinh thần thân thiết của chúng ta khi cắp sách đến trường cho đến hết cuộc đời.
Tục ngữ, ca dao, Việt Nam được ví như viên ngọc quý luôn tỏa sáng trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Từ những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong quan hệ xã hội, sinh hoạt đời thường, quan hệ gia đình hay tình yêu đôi lứa, những vui buồn ghét giận…những câu ca dao ra đời được nhiều người thuộc nhớ.
Để đến gần hơn với tục ngữ ca dao dân ca, Thư viện Trường THCS Tân Quang xin giới thiệu tới các thầy cô giáo và các em học sinh cuốn sách “Tục ngữ, ca dao, Việt Nam” với hy vọng sẽ góp phần đắc lực vào công tác giảng dạy văn học, giáo dục đến các em tinh thần yêu quê hương nước, yêu làng xóm gốc đa, bến nước.
Cuốn sách do tác giả Vũ Ngọc Phan biên soạn, gồm 563 trang, khổ 14,5 x 20,5cm được nhà xuất bản Thời Đại tái bản lần thứ 8 năm 2010.
Nội dung cuốn sách được chia làm sáu phần:
- Phần thứ nhất: Nội dung và hình thức nghệ thuật của tục ngữ, ca dao, dân ca và mối liên quan giữa những thể loại vần, vè của văn học dân gian với văn học thành văn.
- Phần thứ hai: Quan hệ thiên nhiên
- Phần thứ ba: Quan hệ xã hội. Được chia thành các mục: Tình yêu nam nữ, Hôn nhân và gia đình, thái độ của nhân dân đối với giai cấp phong kiến, đối với thực dân Pháp và tay sai; Ca dao kháng chiến chống Pháp và Ca dao chống Mỹ cứu nước.
- Phần thứ tư: Dân ca.
- Phần thứ năm: Tục ngữ ca dao của đồng bào miền núi.
- Phần thứ sáu: Kết luận nói đến vai trò của tục ngữ ca dao trong việc xây dựng ngôn ngữ và văn học dân tộc. Phát huy nghệ thuật truyền thống của ca dao xưa trong sáng tác mới.
Thầy cô và các em thân mến !
Ca dao dân ca là loại hình văn nghệ truyền miệng, một hình thức văn hóa giân dan có từ lâu đời. Nó có thể là một câu nói triết lý bao hàm nội dung giáo dục của ai đó. Trải qua thời gian, mọi người thấy đúng và nghe theo, thậm chí họ có thể thêm vào hoặc bớt đi để đúng với hoàn cảnh cụ thể. Ca dao người Việt thường được cấu tạo bằng hai câu lục bát, khi có nhiều câu kết thành một đoạn ngắn thì gọi là dân ca.
Các em hãy cùng đọc và cảm nhận vẻ đẹp giá trị nghệ thuật trong từng câu ca dao, tục ngữ giàu hình ảnh và gợi mở này nhé:
Cái cò lặn lội bờ ao…
Hỡi cô yếm đào ! lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm,
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa,
Ngày thì ước những ngày mưa,
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh…
Hay :
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
Và thật xúc động hơn nữa :
Có cha, có mẹ có hơn
Không cha, không mẹ như đàn không dây.
Mẹ cha như nước, như mây,
Làm con phải ở cho tầy lòng con.
Trong mỗi chúng ta ai cũng có một miền quê, quê hương là cánh dồng lúa thơm ngát, lũy tre xanh trải dài dọc bờ đê, là những hình ảnh thân thương nhất đối với cuộc sống mỗi người. Qua cuốn sách này hai tiếng quê hương nghe gần gũi và thân thương hơn, là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi đã nuôi dưỡng các em trưởng thành. Ta gợi nhớ đến và không thể nào quên những lời ru ầu ơ của mẹ thiết tha trìu mến, những hình ảnh của miền quê với biển rộng non cao, của gió lào cát cháy…để rồi trẻ thơ như được tiếp thêm nguồn dự trữ lớn lao về lòng yêu quê hương, để rồi chắp cánh cho tuổi thơ con thêm vững bước và sáng ngời niềm tin.
Kính thưa các thầy cô giáo, thưa em học sinh thân mến !
Cuốn sách ‘‘Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” là một trong những lựa chọn ý nghĩa. Cô tin tưởng rằng sau khi đọc xong cuốn sách này, các em hãy học tập tốt hơn nữa, làm được nhiều việc tốt hơn nữa. Buổi giới thiệu sách hôm nay đến đây là hết. Hẹn gặp lại thầy cô và các em trong buổi giới thiệu sách lần sau.
Tân Quang, ngày 15 tháng 01 năm 2024
Người giới thiệu Kí duyệt của BGH
Bùi Thị Nguyệt Đoàn Ngọc Ánh