GTS THÁNG 10: “ÁO TRẮNG TRƯỚC PHÁP TRƯỜNG”
(Nguyệt Tú)
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ( 20/10/1930 - 20/10/2024). Thư viện trường THCS Tân Quang xin giới thiệu đến quý thầy cô và các em cuốn sách Áo trắng trước pháp trường do tác giả Nguyệt Tú biên soạn, cuốn sách do NXB Thanh niên ấn hành năm 2004, gồm 194 trang, khổ 19cm.
"Áo trắng trước pháp trường" là cuốn truyện ký về thời thơ ấu và những chặng đường hoạt động của nữ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Nội dung cuốn sách gồm IV phần:
Phần 1: Từ quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh
Phần 2: Ở Nước ngoài
Phần 3: Những năm 1936-1940 trên đất Nam kì khởi nghĩa
Phần 4: Minh Khai sống mãi
Bây giờ chúng ta hãy đến với phần 1 của cuốn sách: Từ quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 30 tháng 9 năm 1910, tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ra trong một gia đình công chức nhỏ, lúc chín tuổi, chị Nguyễn Thị Minh Khai đã được đi học chữ quốc ngữ tại trường Cao Xuân Dục của thành phố Vinh. Học hết lớp nhì trường nữ sinh, chị được chuyển sang học lớp nhất ở trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Lúc bấy giờ, tiếng bom của Phạm Hồng Thái mưu giết tên toàn quyền Merlin đang kích động mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, trí thức ở Nghệ Tĩnh. Được các thầy giáo hướng dẫn, chị Minh Khai tham gia các phong trào yêu nước với tất cả nhiệt tình của tuổi thanh niên. Chị vận động nữ sinh góp tiền mua hoa, mua vải may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu, nhà cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ. Tốt nghiệp tiểu học, chị Minh Khai ở nhà giúp mẹ bán hàng, ghi chép sổ sách và chăm lo công việc gia đình, vừa đảm đang việc nhà, vừa tham gia các hoạt động ở thành phố.
Phần 2: Ở Nước ngoài: Phần này tác giả giới thiệu quá trình hoạt động Cách mạng ở nước ngoài của chị
Mùa hè năm 1927, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là người đầu tiên trong giới phụ nữ ở thành phố Vinh được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ.
Mùa hè năm 1930, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được lệnh ra hoạt động ở Hải Phòng rồi từ đó được Đảng cử sang Hương Cảng làm việc tại Văn phòng Phương Nam của Bộ Phương Đông - Quốc tế Cộng sản. Tại đây, đồng chí được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện về lý luận cách mạng. Đồng chí làm liên lạc giữa Thị ủy Hương Cảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam, đồng chí lấy bí danh là Cô Duy, Trần Thái Lan, Lý Huệ Phương…
Đầu năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng chồng là đồng chí Lê Hồng Phong được cử đi dự Đại hội lần thứ bảy Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Lần đầu tiên, với tên là Phan Lan, đồng chí đã đọc tham luận dõng dạc lên án chính sách xâm lược của thực dân Pháp, tố cáo tội ác dã man của chúng, nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ Đông Dương và phụ nữ Việt Nam.
Phần 3: Những năm 1936-1940 trên đất Nam kì khởi nghĩa
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân và phụ nữ.
Mùa xuân năm 1940, chỉ vài ngày sau khi sinh đứa con đầu lòng và duy nhất, đồng chí Minh Khai đã phải xa con, tiếp tục công tác cách mạng. Ngày 30 tháng 7 năm 1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị sa vào tay giặc Pháp, giam tại bót Catinat.
Sau 8 tháng giam cầm, tra tấn và dụ dỗ, ngày 21 tháng 1 năm 1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Minh Khai ra tòa án và kết án 5 năm tù khổ sai, 20 năm biệt xứ. Mời các thầy cô và các em tìm hiểu thêm trong sách từ trang 108-154.
Phần 4: Minh Khai sống mãi
Sáng ngày 28 tháng 8 năm 1941, biết kẻ thù sẽ đem mình và một số đồng chí đi xử bắn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nói to, tố cáo tội ác của kẻ thù và kêu gọi bạn tù nổi dậy đấu tranh. Trước họng súng của địch, các đồng chí đã giật tung giải bịt mắt, ngẩng cao đầu hô lớn:
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống nhưng khí phách anh hùng của người nữ đảng viên cộng sản mãi mãi sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Tấm lòng kiên trinh của đồng chí thể hiện qua bài thơ mà đồng chí đã khắc lên tường ở bót Catinat trong những ngày bị giam giữ tại đây:
Vững chí bền gan ai hỡi ai
Kiên tâm giữ dạ mới anh tài
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ
Con đường cách mạng lắm chông gai
Cuốn sách như thước phim quay chậm về toàn bộ quãng đời rất đỗi bình dị mà tràn đầy nhiệt huyết của một người nữ chiến sĩ cách mạng. Qua những thước phim ấy, chúng ta sẽ thấy hình ảnh của một em học sinh đã sớm có những suy nghĩ nung nấu: sẽ làm điều gì đó để góp phần giành cho được một ngày mai tươi sáng; là hình ảnh của một người đồng chí hết lòng vì đồng đội; hình ảnh của một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tận tụy, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ.... Từ đó, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về chân dung một người phụ nữ Việt Nam có bản lĩnh, có lý tưởng đã cống hiến hết mình cho phong trào cách mạng Việt Nam, cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc cũng như sự nghiệp giải phóng giai cấp gắn liền với giải phóng phụ nữ. Đó cũng là bài học có giá trị, giáo dục tinh thần, lòng yêu nước và ý thức vươn lên của các thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau.
Cuốn sách có trong thư viện với số ĐKCB 76-78, mời các thầy cô và các em học sinh đón đọc.
Buổi GTS hôm nay đến đâu là hết, hẹn gặp lại thầy cô cùng các em học sinh vào buổi GTS lần sau.